Bán hàng không chỉ là một công việc cụ thể mà nó phải được xem như là sứ mênh phục vụ khách hàng. Chỉ khi nào bạn thành tâm với khách hàng thì khách hàng sẽ ở lại với bạn. Học đọc câu chuyện sau đây để cảm nghiệm thêm về cái tâm bán hàng.
Minh và Thành là hai người bạn thân với nhau. Ông Thành là người bán đồ kim khí khá lâu trong vùng, cửa hàng của ông nhỏ nhắn nằm trong một con hẻm nhỏ. Một hôm ông Minh đến nhà ông Thành chơi, thì có khách đến mua hàng.
– Bán cho tôi con ốc vít cỡ này đi ạ.
– Đây anh ạ, của anh hai nghìn đồng.
– Cảm ơn anh. – Ông Thành cười tươi và trả lời với khách.
Thấy công việc của bạn mình toàn bán những thứ nhỏ lẻ, giá trị chẳng là bao ông Minh mới nói:
– Cậu bán thế này thì tới bao giờ mới khấm khá được.
Không trả lời, ông Thành chỉ cười….
Hai năm sau, ông Minh lại trở lại cửa hàng kim khí thăm người bạn cũ. Điều ngạc nhiên ở đây là cửa hàng đã to lớn hơn rất nhiều, biển treo hoành tráng với quy mô một công ty chuyên cung cấp hàng kim khí. Ông Minh nghĩ mãi không ra tại sao chỉ với công việc bán những thứ nhỏ lẻ mà người bạn mình lại có thể phát triển quy mô cửa hàng như vậy. Vừa bước vào cửa hàng, một vị khách đi ra, ông Thành thấy trên bàn là một khoảng tiền khá lớn, chắc có lẽ là tiền cọc hay tiền hàng kim khí gì đó. Thấy người bạn cũ ông Thành không khỏi vui mừng. Ông bảo chỉ là nhờ may mắn và gặp thời vận nên mới thành công được như ngày hôm nay. Họ đang trò chuyện với nhau thì một anh thợ máy người lấm lem dầu mỡ hối hả bước vào:
Chú Thành có loại vít bắn gỗ này không chú? – Anh thợ đưa con ốc cho ông Thành xem.
– Loại này người ta ít dùng lắm, anh chờ tôi tí nhé. Nói xong ông Thành bắt đầu lục lọi khắp các ngăn đựng ốc trong cửa hàng. “Thì ra đây là chiêu để ông ấy hét giá đây mà” – ông Minh nghĩ – “chứ bán mấy con ốc nhỏ lẻ vài ba ngàn kia sao mà khấm khá được”.
– Để tôi vào kho xem chứ ngoài này không có. – ông Thành nói.
Hơn một tiếng đồng hồ trôi qua, ông Thành bước ra với mồ hôi nhễ nhại, khuôn mặt tươi cười sung sướng: “Có rồi anh, của anh ba ngàn.” Lúc bấy giờ ông Minh mới bật ngửa.
– Bán con ốc có ba ngàn mà ông làm chi cho cực khổ vậy? – Ông Minh hỏi giọng đầy thắc mắc.
– 3000 đồng chỉ là giá trị của một con ốc-vít nhưng không phải là giá trị của một khách hàng. Mình phục vụ họ tận tình, xuất phát từ cái tâm của người bán hàng thì họ sẽ tin tưởng quay lại với mình những lần sau.Một câu nói tưởng chừng là ngờ nghệch ngốc nghếch, nếu xét về mặt lợi tức kinh tế trước mắt. Nhưng nếu nhìn vào cơ ngơi ông đã tạo dựng được, thì chúng ta không ai dám bảo rằng ông chủ tiệm này là tay ngờ nghệch, ngốc nghếch cả! Thế nhưng cái mà ông ta nhắm tới là giá trị khách hàng và lợi ích của khách hàng.
Bình luận trên Facebook